GD&TĐ -Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết, việc nói chuyện với một nhà lãnh đạo như Tổng thống Nga Vladimir Putin là điều rất tốt.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019. |
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối xác nhận hoặc phủ nhận việc liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2021, nhưng cho biết, việc làm như vậy sẽ là "một điều khôn ngoan".
Cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng "mối quan hệ tuyệt vời" của mình với Tổng thống Nga Putin để chấm dứt xung đột Ukraine nếu ông được bầu làm tổng thống vào tháng tới.
Cuốn sách mới nhất của nhà báo người Mỹ Bob Woodward, có tựa đề “War”, được xuất bản vào tuần này, khẳng định rằng, ông Trump đã bí mật nói chuyện với ông Putin bảy lần kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2021, và đã gửi thiết bị xét nghiệm Covid-19 cho Nga vào năm 2020, khi ông vẫn còn là tổng thống.
Ban đầu, chiến dịch tranh cử của ông Trump nói rằng, "không có câu chuyện nào trong số những câu chuyện bịa đặt này của Bob Woodward là đúng sự thật", tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Bloomberg John Micklethwait vào ngày 15/10, cựu tổng thống Mỹ đã có những lời nói mơ hồ hơn.
“Tôi không bình luận về điều đó, nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng, nếu tôi làm vậy, thì đó là một điều thông minh. Nếu tôi thân thiện với mọi người, nếu tôi có thể có mối quan hệ với mọi người, thì đó là điều tốt, không phải điều xấu, xét về một quốc gia… Nga có đến 2.000 vũ khí hạt nhân”, ông Trump nói với Mickelthwait.
Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa khẳng định rằng, xung đột Ukraine sẽ không bao giờ bắt đầu nếu ông thắng cử năm 2020.
Lời hứa hỗ trợ không giới hạn cho Ukraine của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris có nguy cơ kéo Mỹ vào “Thế chiến thứ III”, ông Trump đã nhiều lần nhận định.
Sau khi gặp nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky vào tháng trước, cựu Tổng thống Trump khoe rằng, ông có “mối quan hệ rất tốt” với cả nhà lãnh đạo Kiev và nhà lãnh đạo Moscow, và hứa sẽ “giải quyết xung đột Ukraine rất nhanh chóng” nếu ông thắng cử vào tháng 11.
Theo người bạn đồng hành tranh cử của ông, J.D. Vance, ông Trump có thể sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga, Ukraine và các bên liên quan ở châu Âu để thiết lập một khu phi quân sự dọc theo tuyến đầu hiện tại, với việc Ukraine đồng ý không tham gia NATO.
Điện Kremlin đã bày tỏ sự nghi ngờ về lời hứa hòa bình của ông Trump, với phát ngôn viên Dmitry Peskov cho rằng, ông Trump không nghĩ rằng, “có một cây đũa thần" có thể ngăn chặn cuộc giao tranh chỉ sau một đêm.
Tuần trước, nhà ngoại giao đã xác nhận rằng, ông Trump thực sự đã gửi các xét nghiệm Covid-19 tới Nga vào năm 2020.
"Nhưng về các cuộc gọi điện thoại - điều đó không đúng", ông Peskov nhấn mạnh.
Theo RT