PTIT sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game trong năm nay

07/04/2023 11:05
Để góp phần phát triển nhân lực cho ngành game Việt Nam, trong năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dự kiến sẽ làm các thủ tục để xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game.

 

Theo các chuyên gia, năng lực sản xuất, tiềm năng phát triển ngành game tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ trò chơi được cấp phép phát hành có nguồn gốc nước ngoài vẫn chiếm đa số. Hầu hết các công ty game ở Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn đều đóng vai trò là những nhà phát hành game hơn là nhà sản xuất; vì vậy doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam thực chất đang làm thuê cho nước ngoài và tỷ trọng đóng góp cho ngành game tại Việt Nam đang không tương xứng với doanh thu.

PTIT sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game trong năm nay

Giảng viên CDIT hướng dẫn sinh viên lập trình trò chơi giáo dục.

Mặt khác, theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trong hơn 500 triệu USD doanh thu từ game, game không phép chiếm tới 30%.

Quan điểm quản lý, thúc đẩy để ngành game phát triển lành mạnh đã được Bộ TT&TT khẳng định. Trong đó, bên cạnh việc phát triển ngành game với mục tiêu khuyến khích sản xuất và phát hành game do người Việt xây dựng để giảm tỷ lệ game nhập khẩu từ nước ngoài, Bộ TT&TT cũng dự kiến phối hợp với Bộ GD&ĐT để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành game.

Tại sự kiện GameVerse 2023 mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh, giáo dục là một trong những mục tiêu cốt lõi để phát triển ngành game trong thời gian tới.

Người đứng đầu Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, Học viện Bưu chính Viễn thông đã đề xuất lên Bộ GD&ĐT về việc mở bộ môn mới chuyên đào tạo nhân lực cho ngành game. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT, Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề phát triển nhân lực ngành game tại Việt Nam, Tiến sĩ Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông (CDIT), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, game là một ngành công nghiệp có những bước phát triển nhanh và dự kiến sẽ có những đóng góp lớn với nền kinh tế Việt Nam.

Để ngành game Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển, đào tạo nhân lực là một trong những giải pháp quan trọng và căn cơ. Nguồn nhân lực vững vàng kiến thức chuyên môn sẽ giúp Việt Nam chủ động phát triển những game lành mạnh, hấp dẫn, không chỉ đem lại doanh thu, thu hút đầu tư từ nước ngoài mà còn quảng bá được văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tiến sĩ Cao Minh Thắng cũng cho hay, hiện nay, nhân lực làm game của Việt Nam đang chủ yếu đến từ những ngành gần như CNTT, thiết kế đồ họa, kinh tế... hoặc một số chương trình đào tạo ngắn hạn về game chứ chưa được đào tạo bài bản về game ở trình độ cao.

Trong khi đó, trên thế giới đã có trên 100 trường đại học gồm cả những trường nằm trong top 100 của thế giới, đã và đang đào tạo Cử nhân, thậm chí cả Thạc sĩ ngành game, đóng góp nhiều nhân lực cho các Studio Game hàng đầu. “Điều đó cho thấy, việc thiết kế và triển khai một chương trình đào tạo chính quy bậc đại học để phát triển nhân lực game ở Việt Nam là một vấn đề cấp thiết hiện nay”, Tiến sĩ Cao Minh Thắng nhận định.

Với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, theo đại diện CDIT, từ những năm 2010, nhà trường đã có những môn học tiếp cận với chuyên ngành game như thiết kế kịch bản game hay lập trình game trong ngành đào tạo Công nghệ Đa phương tiện. Các môn học này mặc dù chưa giải quyết tổng thể vấn đề nhân lực ngành game nhưng cũng đã truyền cảm hứng và khơi gợi các định hướng phát triển cho sinh viên, đồng thời cũng là tiền đề rất tốt để xây dựng chương trình đào tạo chuyên về game trong thời gian tới.

Để tham gia phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành game Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến trong năm nay sẽ làm các thủ tục để xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành đào tạo công nghệ game, với mục tiêu hướng tới đào tạo các chuyên gia trình độ cao có khả năng thiết kế kịch bản và phát triển các game ở các quy mô khác nhau.

“Nếu thành công, trong tương lai gần Học viện sẽ tiếp tục phát triển các ngành đào tạo tiềm năng khác như Marketing, Quản trị kinh doanh game hay eSport”, Phó Viện trưởng CDIT Cao Minh Thắng thông tin thêm.

Vân Anh

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

PTIT sẽ xin cấp phép đào tạo thí điểm ngành công nghệ game trong năm nay - Doanh Nghiệp