LTS:Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường sau Nghị quyết 10 năm 2017. Tuy nhiên, khu vực kinh tế này đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tinh thần của không ít cán bộ quản lý, để đảm nhận vai trò này.Không tiếp nhận hồ sơ
Gần đây, một vài doanh nhân tìm đến trao đổi với người viết bài này nhiều khó khăn của họ trong kinh doanh mà phần lớn là do sự trì trệ của các cán bộ công chức.
Một doanh nhân kể, họ đến một sở ở địa phương để nộp hồ sơ đầu tư dự án lớn về phát triển bất động sản, nhưng đi “năm lần bảy lượt” mà hồ sơ không được tiếp nhận. “Người ta từ chối nhận hồ sơ vì nhận là phải trả lời trong 15 ngày lý do không giải quyết. Mà nhận thì họ chắc chắn không giải quyết được vì không ai ký”, vị doanh nhân nói.
Tình trạng này có lẽ không còn đơn lẻ ở một địa phương vì những doanh nhân khác cũng kể những câu chuyện tương tự. Không ít các cơ quan quản lý không giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân thì đã đành, họ còn thậm chí không tiếp nhận hồ sơ để ít nhất biết vướng mắc là gì.
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị các cấp nhưng không được hồi âm
Gần đây, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố cũng đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều cấp về nhiều quy định về quản lý xăng dầu chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn.
Tuy nhiên, đơn từ gửi đi mà không nhận được hồi âm, hay động thái giải quyết, ngoại trừ một vài cuộc thảo luận do VCCI chủ trì.
Còn rất nhiều các ví dụ khác mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp khó khăn từ các cơ quan quản lý mà người viết bài này không thể kể hết ở đây vì khuôn khổ bài báo có hạn.
Tình trạng này đã từng được đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận) phản ánh tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội trong kỳ họp tháng 10 năm ngoái. Ông phản ánh, có cán bộ tâm sự với ông "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".
Ông nói: “Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, sau khi đi tới nhiều địa phương, cũng bày tỏ thực tế ông ghi nhận được: nhiều công chức không muốn, không dám thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Có những công chức tâm sự với ông: “Em thà chịu bị phê bình làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn là bị kỷ luật, có thể bị truy cứu hình sự”, “Em làm cũng sai, mà không làm cũng sai”, “Bây giờ em đọc các văn bản pháp luật có liên quan, em thấy các quy định đó như những cái bẫy đối với chúng em, và em sợ”.
Thậm chí, có người còn nói thẳng: “Chúng em cố gây khó, tạo thêm hàng rào kỹ thuật cho dân và doanh nghiệp để cảm thấy an tâm, an toàn cho bản thân”.
Như vậy, không ít cán bộ làm khó, tạo thêm rào cản cho người dân và doanh nghiệp hơn là tạo thuận lợi và tìm cách giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Trước đây, công việc của ngành nào, ngành đó xử lý theo các quy định pháp luật tương ứng đối với ngành. Nay mọi việc, nhất là các vấn đề liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng..., các sở có liên quan đều phát công văn tham vấn ý kiến của tất cả các sở, ngành. Do đó, việc giải quyết công việc liên quan kéo dài lê thê, gấp nhiều lần so với trước.
Các quyết định được đưa theo cơ chế đồng thuận tạo biết bao thủ tục nhiêu khê và tốn thời gian. Trong nhiều trường hợp, các cán bộ địa phương tham vấn ý kiến chuyên môn của các bộ, ngành trung ương liên quan nhưng cách và nội dung trả lời, nếu có, không giúp ích gì cho công việc của họ. Trong nhiều trường hợp, không có quyết định cuối cùng.
Các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thường không được báo cáo lên lãnh đạo nếu chưa tìm được giải pháp an toàn về pháp lý. Cán bộ cấp dưới không báo cáo lãnh đạo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Rất ít, thậm chí không có các dự án đầu tư mới được cấp chủ trương đầu tư. Hàng ngàn dự án đầu tư không thể hoàn thành đủ các thủ tục hành chính cần thiết để triển khai thực hiện. Nhiều dự án đã đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất cũng bị dừng lại do cơ quan nhà nước không nhận tiền đã trúng thầu. Giải ngân đầu tư công vẫn chậm dù Chính phủ lập nhiều đoàn công tác để chỉ đạo và đôn đốc.
Chứng kiến thực tế này, ông nói: “Tình trạng này đáng báo động và không thể kéo dài được vì năng lực sản xuất, tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn của nền kinh tế có thể bị suy giảm”.
Chưa đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật khiến doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khănDoanh nghiệp tư nhân mãi không lớn
Trước thực tế đó, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có văn bản cho một số cơ quan để nghiên cứu Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đây là một nỗ lực tiếp nối sau khi có Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân năm 2017 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Khu vực doanh nghiệp tư nhân đến nay mãi không lớn lên được, khu vực doanh nghiệp chính thức mới chỉ chiếm 10% GDP trong khi khu vực kinh tế phi chính thức là hộ gia đình chiếm hơn 32% GDP.
Một phần của thực tế này do hệ thông pháp luật, các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển trong nhiều trường hợp mang tính chất “xử lý tình huống”, chưa mang tính thúc đẩy, ấn định để triển khai và chưa đảm bảo thực thi được những ưu tiên phát triển. Từ đó làm cho tình trạng doanh nghiệp tư nhân “không thể lớn” hay “không muốn lớn” bởi niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh.
Hệ thống pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và ổn định; tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn rất cao. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, thậm chí có những quy định pháp luật còn xa rời thực tế. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, phức tạp cho người dân và doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực trạng luật pháp chồng chéo, mâu thuẫn như thế này rất dễ khiến cán bộ làm sai, gây rủi ro cho doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận xét, một doanh nghiệp đầu tư một dự án trên địa bàn tỉnh A. Trong nhiệm kì này ông Bí thư, Chủ tịch mời họ bằng được để làm và mở tối đa cơ chế ưu đãi, thậm chí cho phép lập dự án triển khai trước khi làm xong các quy trình, thủ tục. Nhưng trong nhiệm kì sau, các ông khác lên thay lại quy doanh nghiệp phạm tội.
Ở đây có câu chuyện hợp đồng không được bình đẳng, không được bảo vệ. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với ông Chủ tịch, vậy ông Chủ tịch đó không phải cá nhân ông ấy mà nhân danh Nhà nước.
Đại biểu Vân đặt câu hỏi: “Tại sao sau đó ông Chủ tịch sau lại đòi lại, hủy hợp đồng? Chả nhẽ lại có mấy Nhà nước, Nhà nước của ông lên sau đúng, Nhà nước của ông trước sai hay sao mà lại đòi hủy hợp đồng Nhà nước đã ký với doanh nghiệp?!”.
Lan Anh