Trầm Bê, đại gia nổi đình đám một thời với thương vụ thâu tóm Sacombank, trở lại thương trường với việc gia nhập HĐQT Bệnh viện Triều An. Gia đình ông từng chi phối 2 ngân hàng, 1 doanh nghiệp bất động sản, một bệnh viện, một công ty chứng khoán,...
Trở lại thương trường
Ngày 29/5, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của của CTCP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An đã bầu ông Trầm Bê (sinh năm 1959) làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2027, với tỷ lệ tán thành suýt soát 99%.
Ông Trầm Bê quay lại thương trường sau khi hoàn thành thi hành 2 bản án hình sự, với tổng cộng 7 năm tù.
Trước đó, ông Trầm Bê là người sáng lập và Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An. Tuy nhiên, ông Trầm Bê đã rời khỏi các vị trí lãnh đạo tại bệnh viện này sau khi vướng vòng lao lý bởi vụ án tại Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) và Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) năm 2017.
Báo cáo tài chính của Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách HĐQT.
Vụ thâu tóm lịch sử trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam đã khép lại vào năm 2017. Ông Đặng Văn Thành đã ra đi khỏi ngân hàng con đẻ Sacombank và quay về với nơi ông từng khởi nghiệp.
Trong khi đó, đại gia Trầm Bê đã hợp nhất thành công 2 ngân hàng. Song, không giữ được thành quả. Ông Trầm Bê đã từ bỏ tất cả tài sản ở ngân hàng đồng thời phải chịu các trách nhiệm khác trong quá trình xử lý nợ xấu sau sáp nhập và vướng vòng lao lý.
Ông Trầm Bê từng chi phối 2 ngân hàng Southernbank và Sacombank.
Từ năm 2013-2016, đại gia Trầm Bê nổi bật trong giới doanh nhân Việt. Dù được mệnh danh là đại gia kín tiếng nhưng ông Trầm Bê được biết đến là người từng chi phối 2 ngân hàng, một doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất hàng đầu TP.HCM. Bên cạnh đó là một bệnh viện, một công ty vàng bạc đá quý, công ty chứng khoán… Nhà ông Trầm Bê giàu có thuộc top đầu Việt Nam.
Gia đình giàu có bậc nhất
Năm 2012, giới đầu tư chứng khoán bất ngờ với thông tin ông Trầm Khải Hòa (con trai út của ông Trầm Bê) được bầu vào HĐQT Ngân hàng Sacombank và trở thành thành viên trẻ nhất (24 tuổi) trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Trầm Bê lộ diện là người đứng đầu trong vụ thâu tóm lịch sử trong ngành ngân hàng Việt Nam. Ông chính là người đứng sau nhóm cổ đông đa số (chiếm trên 51% cổ phần biểu quyết) đã ủy quyền cho Eximbank yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank.
Vào thời điểm đó, ông Trầm Khải Hòa nắm giữ gần 21 triệu cổ phiếu STB, chiếm hơn 2,1% cổ phần ngân hàng này, trị giá khi đó gần 500 tỷ đồng. Ông Trầm Trọng Ngân (sinh năm 1981, con trai cả ông Trầm Bê) lúc đó nắm giữ 48 triệu cổ phiếu Sacombank, tương đương hơn 4,9%, trị giá lúc bấy giờ khoảng 1.100 tỷ đồng.
Trong thời gian này, ông Ngân cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS) nắm giữ hàng triệu cổ phiếu của công ty này.
Gia đình ông Trầm Bê.
Tính tới cuối 2016, ông Trầm Trọng Ngân nắm giữ 4,73% cổ phần. Tuy nhiên, giá trị số cổ phần này đã cao hơn nhiều do quy mô vốn của Sacombank tăng mạnh sau khi sáp nhập với SouthernBank.
Theo báo cáo, tính tới cuối 2016, ông Trầm Bê và những người có liên quan nắm giữ khoảng hơn 9,5% vốn Sacombank, với gần 180 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này có giá trị khi đó khoảng 2.300 tỷ đồng
Trước khi sáp nhập với Sacombank, nhà ông Trầm Bê cũng giữ quyền chi phối tại SouthernBank. Ông Trầm Bê đưa con gái Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc SouthernBank, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu của các con tại ngân hàng này lên tổng cộng hơn 17%.
Trong lĩnh vực bất động sản, ông Trầm Bê và những người có liên quan (gia đình, tổ chức - như SouthernBank) nắm giữ trên dưới 15% CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) - một doanh nghiệp sở hữu một quỹ đất khổng lồ tại TP.HCM (sau đó đã bán cho Khang Điền)
Ba người con của đại gia này là Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa đều từng nắm trong tay khối tài sản khổng lồ, và giữ những vị trí quan trọng trong các công ty mà ông tham gia đầu tư.
Khối tài sản của gia đình ông Trầm Bê trên thực tế có thể còn lớn hơn nhiều bởi nó còn nằm ở những tài sản thuộc các doanh nghiệp chưa niêm yết như: Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An, Công ty TNHH Sơn Sơn…
Nắm giữ hàng loạt các ngân hàng và doanh nghiêp đầu ngành, nhà ông Trầm Bê được biết đến là gia đình siêu giàu có với nhà đất 100 triệu USD ở Mỹ và lâu đài 30ha bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, vị thế của gia đình này sau đó tụt dốc nhanh chóng.
Ông Trầm Bê đã rút khỏi các ngân hàng, và thoái lui ở CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI). Ông thôi giữ chức Phó Chủ tịch Sacombank từ 11/2015 và cũng đã ủy quyền vô thời hạn vốn cổ phần tại ngân hàng mới sáp nhập (giữa Sacombank và SouthernBank) cho Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 1/8/2017, ông Trầm Bê và dàn lãnh đạo liên quan đã bị bắt giữ do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng.
Bệnh viện Triều An có lãi sau một năm lỗ
Trong giai đoạn khởi sắc, Bệnh viện Triều An vẫn đều đặn duy trì doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, bệnh viện tư nhân này lỗ trong trong năm 2021 do Covid.
Sang năm 2022, bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu đạt kỷ lục mới và có lợi nhuận trở lại, lãi 41 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Triều An đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng với doanh thu 628 tỷ, lợi nhuận sau thuế 47 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, Triều An ghi nhận doanh thu thuần gần 141 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ; lãi 19 tỷ đồng, cao gấp 9,4 lần so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý I/2023, bà Trầm Thuyết Kiều (con gái ông Trầm Bê) đang nắm 21,42% vốn điều lệ, bà Viên Tú Anh (chị vợ ông Trầm Bê) nắm 3,44%. Ông Trần Ngọc Henri nắm 4,08%.
Choáng ngợp trước dinh thự lớn nhất Nam Bộ của đại gia Trầm Bê
Biệt thự của đại gia Trầm Bê ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Biệt thự này được cho là lớn nhất Nam Bộ, được coi như một tòa lâu đài lộng lẫy với 5 tháp
Bình luận