Chẩn đoán chứng tự kỷ ở bé gái khó hơn bé trai

26/04/2023 10:08
Tỷ lệ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ tăng nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Số bé gái bị tự kỷ cũng tăng nhưng việc chẩn đoán ở đối tượng này vẫn khó hơn bé trai.

 

Chẩn đoán chứng tự kỷ ở bé gái khó hơn bé trai

Số lượng bé gái được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng nhưng việc phát hiện vẫn khó hơn so với ở bé trai. Ảnh: Bigstock.

Theo CDC, rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là khuyết tật phát triển được đặc trưng bởi những khó khăn dai dẳng trong tương tác xã hội và hành vi, sở thích hoặc hoạt động lặp đi lặp lại khiến việc giao tiếp, tham gia các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn hơn.

Đài truyền hình KXAN (trực thuộc NBC) cho hay Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ bắt đầu theo dõi chứng tự kỷ ở trẻ em tại Atlanta vào năm 1996. Năm 2000, CDC đã thành lập Mạng lưới theo dõi bệnh tự kỷ và khuyết tật phát triển (ADDM), mở rộng việc theo dõi đến 9 khu vực đô thị khác của Mỹ.

Kể từ đó, tỷ lệ tự kỷ ở trẻ em tăng lên rõ rệt. Năm 2000, mạng lưới phát hiện ra rằng cứ 150 trẻ em thì có một trẻ mắc ASD. 18 năm sau, con số này nhảy vọt lên khoảng 1/44.

Kể từ năm 2018, tỷ lệ còn tăng cao hơn nữa. Tháng 3, CDC báo cáo năm 2020, cứ 36 trẻ em thì có một trẻ mắc chứng tự kỷ. Và lần đầu tiên kể từ khi CDC bắt đầu theo dõi bệnh tự kỷ, tỷ lệ mắc ASD ở trẻ em gái vào năm 2020 vượt quá 1%. Tỷ lệ cho bé trai là khoảng 4%.

“Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng chứng tự kỷ không chỉ là tình trạng của bé trai. Rất nhiều bé gái gặp vấn đề nhưng thường không được chú ý, cho đến khi họ là thanh thiếu niên hoặc người lớn mới bắt đầu nhận ra mình khác biệt”, tiến sĩ Audrey Brumback, trợ lý giáo sư về thần kinh học tại trường Y khoa UT Austin Dell, cho biết.

Trẻ gái thường có thể bắt chước hành vi từ người khác để mình không khác biệt, do đó, người lớn khó phát hiện trẻ bị tự kỷ. Ảnh: Youthsporttrust. Tại sao chẩn đoán tự kỷ tăng đột biến?

Tiến sĩ Brumback cho biết khi các nhà khoa học bắt đầu nói về bệnh tự kỷ, tình trạng này được đổ lỗi cho những bà mẹ không yêu thương con quá mức. Bà cho hay sau đó, lý thuyết này bị loại bỏ khi các nhà khoa học bắt đầu hiểu có thành phần sinh học gây ra chứng rối loạn phổ tự kỷ.

Bà Brumback cho biết tỷ lệ mắc chứng tự kỷ trong những thập kỷ gần đây tăng lên chủ yếu là do các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc chứng tự kỷ tốt hơn. Nhiều người trong quá khứ được coi là mắc các bệnh khác, chẳng hạn chậm phát triển trí tuệ, bây giờ có thể sẽ được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.

Trong báo cáo mới của CDC, tỷ lệ trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ là khoảng 4 nam so với một nữ. Tiến sĩ Brumback nói thành phần sinh học lý giải một phần nguyên do các bé trai thường được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ hơn các bé gái. Các bé gái cũng có xu hướng khó chẩn đoán hơn.

Tại sao khó chẩn đoán tự kỷ ở bé gái?

Bà Brumback nhận xét bé gái thường ít được phát hiện mắc tự kỷ hơn. Điều này có một vài lý do.

“Bé gái có xu hướng mắc chứng tự kỷ thầm lặng nên không thu hút sự chú ý của người khác bằng cách ít thực hiện hành động khác thường. Và vì vậy, họ chỉ âm thầm chịu đựng”, bà nói.

Chuyên gia cũng nói rằng con gái phần lớn giỏi hơn con trai trong việc nắm bắt hành vi của người khác và "sao chép" cho bản thân.

Ví dụ, một cô gái có thể nhìn thấy người bạn cùng lớp nổi tiếng về mặt xã hội với một nhóm bạn lớn và nghĩ cách bắt chước hành vi của người bạn cùng lớp đó để cố gắng đạt được những gì họ có.

Tiến sĩ Brumback cho biết mặc dù việc chẩn đoán các bé gái mắc chứng tự kỷ vẫn khó khăn hơn so với các bé trai, các chuyên gia đang bắt đầu thu hẹp khoảng cách đó.

Bé gái tự kỷ thường dành hết năng lượng để bắt chước hành vi bạn học ở trường nên sẽ về nhà với trạng thái mệt mỏi. Ảnh: 123rf. Dấu hiệu cần chú ý

Nhiều bé gái mắc chứng tự kỷ có thể gặp khó khăn ở nhà chứ không phải ở trường.

“Về cơ bản, trẻ đang sử dụng mọi phân tử năng lượng mà chúng có để bắt chước những người bạn không tự kỷ và hành động giống người không mắc ASD. Chúng tôi gọi đó là đeo mặt nạ. Các giáo viên nghĩ rằng mọi thứ đều ổn khi họ có một nhóm bạn và làm rất tốt bài tập trên lớp”, vị chuyên gia nói.

Nhưng trong những tình huống này, khi về đến nơi an toàn như nhà mình, đứa trẻ có thể suy sụp.

Vì thế, bà khuyên có con trong độ tuổi vị thành niên và trở về nhà sau giờ học với trạng thái kiệt quệ, cha mẹ nên lưu tâm và tự hỏi bản thân liệu con có mắc chứng tự kỷ không.

Bà nhấn mạnh nếu sau này, một người phát hiện ra họ có thể mắc chứng tự kỷ, biết chấp nhận bản thân là điều tối quan trọng. “Chỉ cần hiểu rằng mình có điều không ổn, họ sẽ được kết nối với người xung quanh theo cách khác”, tiến sĩ Brumback nói.

Theo Nguồn baomoi.com

Chẩn đoán chứng tự kỷ ở bé gái khó hơn bé trai - Giáo Dục